Thời đại công nghệ 4.0 biến đổi mọi mặt đời sống xã hội từ kinh tế, y tế, giáo dục cho đến cả công ăn việc làm. Đã có rất nhiều ngành nghề mới ra đời và một trong những nghề thời thượng nhất trong kỷ nguyên 4.0 này chính là nghề Freelance (những người đi theo nghề này gọi là Freelancer).
Với thu nhập không giới hạn có thể từ vài trăm USD lên đến hàng nghìn USD/tháng tuỳ vào năng lực của mỗi người, kèm với đó là sự thoải mái về không gian, thời gian làm việc đã biến nó trở thành một nghề hot nhứt hiện nay. Vậy Freelancer là gì mà nó khiến biết nhiều bạn trẻ đang bắt đầu tham gia? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé!
Freelancer là gì?
Freelancer là những người làm nghề tự do (freelance) tức là họ được tự do thu xếp công việc của mình mà không có bất cứ giới hạn nào về thời gian, địa điểm làm việc, họ có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi hoặc tùy theo thỏa thuận với người thuê.
Freelancer cũng phải làm thuê cho người khác nhưng không có hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế xã hội cũng nhưng những phúc lợi khác. Họ không cần tuân theo các qui định của công ty như thời gian làm việc, đồng phục,… nhiệm vụ của họ làm hoàn thành công việc được giao đúng theo yêu cầu của dự án đó.
Một công ty sẽ thuê freelancer khi có một công việc phát sinh đột xuất, không thường xuyên, công việc xuất hiện theo dự án và sẽ chấm dứt khi dự án kết thúc nên không cần phải thuê một nhân viên làm toàn thời gian. Còn với nhân viên bán thời gian thì họ chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức để tham gia vào dự án cũng như việc công ty phải dành một chỗ ngồi cho họ gây tốn kém.
Một freelancer chuyên nghiệp sẽ phù hợp hơn vì họ đã cộng tác cho rất nhiều dự án, rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức cho nhiều lĩnh vực khác nhau mà một nhân viên toàn thời gian khó có thể có được. Lượng kiến thức, kinh nghiệm cực kì phong phú chính là một điểm cộng tuyệt đối cho Freelancer.
Tuy nhiên, việc thuê một freelancer có nhược điểm là bạn phải làm việc với họ qua mạng, điện thoại nên nhiều lúc sẽ gây khó khăn vì hai bên truyền đạt không hết ý, gây hiểu nhầm tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, ngoài Deadline ra thì freelancer không chịu bất kì ràng buộc nào, họ không ở công ty nên bạn không thể theo dõi tiến trình làm việc của họ.
Cùng một lúc họ nhận nhiều dự án nên không biết là họ đã động đến dự án của mình chưa, nếu đã động thì động đến bao nhiêu phần rồi… như vậy sẽ gây khó khăn cho quản lý dự án. Và một trường hợp khủng khiếp hơn đó là họ bỏ dự án giữa chừng.
Việc này có nhiều nguyên do có thể từ 1 phía hoặc 2 phía nhưng có một điều chắc chắn rằng nó sẽ làm dự án của bạn chậm tiến độ… nghiêm trọng. Do vậy, khi tìm một freelancer doanh nghiệp cần tìm một freelancer có một Profile tốt hoặc các đánh giá khác từ người tuyển dụng trước.
Freelancer làm những gì?
Nghề Freelance có đặc thù riêng như vậy nên chỉ một số công việc mà freelancer có thể tham gia vào. Dưới đây là những công việc phổ biến nhất:
- Viết lách: Viết bài PR, Blog, bài SEO website, kịch bản, thông cáo báo chí, hồ sơ xin việc (CV), …
- Dịch thuật: Biên dịch và phiên dịch các thứ tiếng Anh, Hoa, Nhật, Thái, …
- Online Marketing: SEO, Quảng cáo Facebook, Google Adwords, quản trị Fanpage, Forum seeding,…
- Công nghệ thông tin: Lập trình website (wordpress, opencart, Joomla, Magento,…), phân tích dữ liệu, IT support, QA/Testing, quản trị hệ thống,…
- Thiết kế: Thiết kết logo, banner, poster, bộ nhận diện thương hiệu; đồ họa 2D/3D; chỉnh sửa hình ảnh; thiết kế nội, ngoại thất; vẽ chân dung,…
- Quay phim, chụp hình: Quay video, dựng video, chỉnh sửa video, chụp ảnh sự kiện, chụp ảnh theo yêu cầu,…
Những điểm hấp dẫn khiến bạn muốn trở thành Freelancer?
Nghề Freelancer chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây nhưng nó đã thu hút một lượng đông đảo người gia nhập, đặc biệt là giới trẻ bởi những điểm vô cùng hấp dẫn ăn đứt loại hình công việc truyền thống. Vậy những điểm hấp dẫn của Freelancer là gì?
1. Sự linh hoạt về thời gian, địa điểm làm việc
Sự phát triển thần kì của công nghệ đã thay đổi môi trường làm việc. Nghề freelance ra đời cũng trong bối cảnh đó, chính công nghệ đã đưa một lượng lớn công việc từ offline chuyển sang online. Và khi mọi thứ được chuyển từ offline sang online, không gian và thời gian trở nên vô tận.
- Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu, cho bất cứ ai trên trái đất này: Bạn sẽ trở thành một “nhân viên tự do” theo đúng nghĩa của từ free trong freelancer, không thuộc về một tổ chức cá nhân nào cả, muốn làm cho ai thì làm, muốn làm ở đâu thì làm, nay làm ở nhà, mai ra quán cà phê, mốt lại bay sang một nước nào đó hoặc thậm chí ra công viên ngồi làm.
- Hoàn toàn chủ động về thời gian: Sáng mệt thì nghỉ tối làm bù, ngày này có việc thì nghỉ cuối tuần làm bù, sáng muốn ngủ nướng thì cứ việc, thích thì tập trung làm nhanh cho hết việc một lần, thích thì tự thưởng nửa tháng ngưng việc đi du lịch mà không sợ đuổi việc,… nói chung là bạn tự do thu xếp thời gian mà không cần hỏi ý kiến ai cả, muốn nghỉ thì nghỉ không cần xin phép.
- Bạn không cần tuân theo những thứ nội qui nghiêm ngặt, gò bó: Không cần phải chấm công, không cần phải báo cáo này nọ, không cần họp hành, thích thì mặc quần cộc, áo ba lỗ, dép lào, thích thì vừa làm vừa xem phim, chat Facebook, đọc báo… Bạn có thể tự chọn làm những gì mình thích, dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân và gia đình.
2. Thu nhập cao và không giới hạn
Là một Freelancer bạn muốn nhận bao nhiêu việc thì nhận miễn là bạn đủ sức để làm. Bạn không chỉ làm cho doanh nghiệp Việt Nam mà có thể làm cho bất kì doanh nghiệp nào khác trên thế giới với mức thù lao đến vài nghìn thậm chí vài chục nghìn đô mỗi tháng.
3. Trau dồi kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ
Dĩ nhiên rồi, bạn làm hàng chục dự án khác nhau cho hàng chục công ty khác nhau ở khắp các lĩnh vực khác nhau sẽ giúp bạn trau dồi những kinh nghiệm cực kì quí giá và cùng với đó là rất nhiều mối quan hệ thân thiết.
Từ các mối quan hệ này bạn sẽ được giới thiệu thêm rất nhiều dự án mới và nếu như một ngày đó bạn có ý định mở doanh nghiệp riêng thì những mối quan hệ này có thể hỗ trợ bạn trong giai đoạn khó khăn ban đầu.
Những khó khăn của một Freelancer là gì?
Mọi thứ trên đời này đều tồn tại ưu và nhược điểm của nó và Freelancer cũng vậy, bên cạnh sự thoải mái, linh động là những khó khăn mà không phải ai cũng đủ sức vượt qua.
1. Giai đoạn đầu khó tìm kiếm dự án
Rất nhiều người có ý định làm Freelancer đã bỏ cuộc chỉ sau vài tháng theo đuổi bởi vì “đói dự án”. Khi bạn mới vào nghề, làm sao các doanh nghiệp dám giao dự án cho bạn khi bạn chưa kinh qua bất kì dự án nào. Ít nhất thì bạn phải cộng tác một vài dự án hoặc đã từng làm việc cho một công ty nào đó để chứng minh năng lực của bạn.
Giai đoạn này rất cần sự kiên trì của bạn rất nhiều, chính vì vậy, hãy tìm những dự án nhỏ để cộng tác trước sau đó mới đến những dự án lớn hơn. Làm như vậy bạn sẽ có được một khoản tiền nhỏ để duy trì sự sống trước khi bước qua giai đoạn phát triển của nghề.
2. Lừa đảo là không hiếm
Chính vì Freelancer có rất ít sự ràng buộc giữa bạn với doanh nghiệp, chẳng có hợp đồng, chẳng hề quen biết và nhiều khi bạn làm việc mà chẳng biết mặt đối tác của mình là ai nên vấn đề lừa đảo là thường xuyên.Việc bạn hoàn thành xong dự án nhưng doanh nghiệp không chuyển tiền cho bạn vẫn là hiện trạng đang xảy ra nện bạn cần có thoả thuận rõ ràng với người đang thuê
3. Thu nhập không ổn định
Sự linh hoạt về thời gian, địa điểm của nghề Freelance vừa là ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm. Với một công việc truyền thống, bạn có hợp đồng lạo động, được đảm bảo một suất lương hàng tháng để sống nhưng với các Freelancer thì chẳng có gì đảm bảo cả, nhất là ở giai đoạn mới vào nghề, không có dự án để làm thì lấy đâu ra thu nhập. Rồi thu nhập cứ trồi sụt theo tháng, có tháng nhiều dự án thì tiền đếm không xuể, có tháng ít dự án thì ngồi chơi xơi nước.
Như vậy tháng nào bạn cũng phải đau đáu với nỗi lo thu nhập, mà với những người hay lo, tư tưởng thích ổn định an nhàn thì rất dễ bỏ nghề.Những bạn trẻ thì không nói nhưng với những người đã lập gia đình, việc này là vô cùng mạo hiểm vì các khoản chi tiêu hàng tháng là không nhỏ, chỉ cần bị hụt thu nhập một vài tháng sẽ dẫn đến cạn kiệt về tài chính. Chính vì lí do này mà nghề Freelance không thích hợp với người ở độ tuổi trung niên, trừ khi là người đó bước vào nghề từ lúc còn trẻ và tồn tại cho đến giờ.
Các bước để trở thành một Freelancer
Bước 1: Xác định lĩnh vực tham gia hoặc thế mạnh của bạn
Trước khi bước vào nghề Freelance thì bạn phải tìm hiểu Freelancer là gì và xác định được lĩnh vực mà bạn có thể tham gia. Bạn đối chiếu với công việc hiện tại mình đang làm, nếu thấy không phù hợp thì xét đến nghề tay trái của bạn, rồi xét xem từ nhỏ đến lớn bạn đã có những năng khiếu gì. Nên ưu tiên lĩnh vực mà bạn đã từng tham gia trong một vài dự án nào đó để chứng tỏ rằng bạn đã có kinh nghiệm làm việc.
Bước 2: Hoàn thành bộ hồ sơ giới thiệu bản thân
Sau khi xác định được lĩnh vực tham gia, bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ giới thiệu về mình. Nó giống y hệt như một hồ sơ xin việc, bạn phải show thông tin cá nhân (Họ và tên, tuổi, quê quán,..), thông tin liên hệ (điện thoại, email, Facebook, Skype, Zalo,…) và đặc biệt là những dự án mà bạn đã từng làm.
Thông tin về những dự án này cần chi tiết, cụ thể và nếu có người chứng thực cho bạn thì càng tốt. Một lá thư giới thiệu có chữ kí của một quản lý dự án nào đó thì lại càng tuyệt vời. Lưu ý rằng bộ hồ sơ này phải là file mềm để có thể up được trên mạng. Các giấy tờ tùy thân, chứng chỉ và các tài liệu liên quan đều phải được scan để chuyển thành file mềm.
Bước 3: Tìm việc Freelance
Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì giờ là bước khó khăn nhất là tìm công việc Freelance phù hợp. Dưới đây là một số nguồn công việc mà bạn có thể tham khảo:
- Mạng xã hội: Các Group Facebook và các tài khoản Linkedin là những nguồn tìm việc tuyệt vời trên mạng xã hội. Hằng ngày tin tuyển dụng được đăng liên tục, bạn có thể chọn một công việc phù hợp sau đó gửi bộ hồ sơ đã chuẩn bị của mình vào email liên hệ của người đăng tuyển.
- Các trang Freelancer: Đây là một nguồn tìm việc mà bạn nên tham gia bởi vì nó giúp bạn hạn chế được các trường hợp lừa đảo. Những nhà đăng tuyển đều phải xác thực thông tin trên trang và quá trình thanh toán sẽ được các trang này đứng ra để đảm bảo bạn nhận được tiền khi dự án được hoàn thành.
Để tham gia các trang này bạn phải đăng ký tài khoản miễn phí, sau đó kê khai các thông tin cá nhân và up hồ sơ để xác thực. Một số trang cho bạn up hồ sơ giới thiệu bằng file mềm nhưng một số trang buộc bạn phải điền theo mẫu có sẵn, bạn chỉ cần copy từ file mềm của bạn dán vào là xong.
Sau khi hồ sơ được xác thực, bạn có thể tìm kiếm công việc mình mong muốn và nộp hồ sơ, tùy vào các trang mà việc gửi hồ sơ là miễn phí hoặc có thể bị tính phí. Một số trang tìm việc Freelance thông dụng như:
- Thế giới: Fiverr.com, Freelancer.com; Upwork.com; Guru.com; elance.com; rentacoder.com;…
- Việt Nam: Freelancerviet.vn; Vlance.vn; 50k.vn