Doanh nghiệp của bạn muốn kinh doanh online thông qua trang web thì buộc phải có 2 thứ, bao gồm Hosting (để chứa website) và Tên miền. Với hosting, bạn có thể thay đổi giữa các nhà cung cấp hosting khác nhau nhưng tên miền thì không dễ dàng như vậy.
Bạn cần chọn cho công ty bạn một tên miền hoàn hảo ngay từ đầu bởi vì tên miền ngoài việc là một đường dẫn tới website, nó còn là tài sản thương hiệu vô giá mà nếu nó mất đi hoặc bị thay đổi thì thương hiệu của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết được tên miền là gì và cách chọn mua tên miền như thế nào phù hợp.
Khái niệm chung – Tên miền là gì?
Tên miền (hay còn gọi là Domain) chính là đường dẫn đến website của bạn, là địa chỉ của website. Nếu website của bạn là một căn nhà, hosting là mảnh đất chứa căn nhà của bạn thì tên miền chính là địa chỉ của căn nhà. Tên miền dẫn người khác đến chính xác ngôi nhà của bạn mà không phải một nhà nào khác gần đó.
Thực tế, địa chỉ website của bạn là một dãy số dài gọi lài IP (VD: 123.45.67.89), tuy nhiên vì địa chỉ này khá dài và rất khó nhớ nên tên miền ra đời để thay thế địa chỉ IP này. Nó là một tập hợp các chuỗi ký tự trong bảng chữ cái Alphabet, được sắp xếp giống như một tên riêng có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa.
Cấu tạo một tên miền là gì?
Một tên miền được tạo bởi các thành phần khác nhau bao gồm tên máy chủ và phần mở rộng (.com, .vn…) và được ngăn cách nhau bởi dấu chấm (.). Một cấu trúc tên miền đầy đủ như sau: Tên máy chủ.Phần mở rộng
Tên máy chủ: là chuỗi kí tự đầu tiên trong tên miền. Chẳng hạn tên miền topthuthuat.com thì tên máy chủ là topthuthuat
Phần mở rộng: Được chia thành 2 loại đó là: Tên miền mức 1 và tên miền mức 2.
- Tên miền mức 1: Là 2 chữ cái theo tiêu chuẩn ISO-3166 thể hiện mã quốc gia của tất cả các nước tham gia internet, ví dụ: Việt Nam (.vn), Anh (.UK), Hoa Kỳ (.US),… hoặc các lĩnh vực dùng chung (.com, .info…).
- Tên miền mức 2: Là tên miền do tổ chức quản lý tên miền của quốc gia đó tự quản lý, thường được định nghĩa theo các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tại Việt Nam, VNNIC là tổ chức quản lý tên miền định nghĩa các tên miền mức hai như: com.vn; edu.vn; org.vn…
Tên miền có những loại nào?
Có tổng cộng hai loại tên miền bao gồm: Tên miền chính (tên miền cấp cao nhất) và tên miền phụ (tên miền thứ cấp).
- Tên miền chính: Là tên miền bạn đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ. Tên miền chính có phần mở rộng là tên miền mức 1 hoặc tên miền mức 2. Đây là tên miền cao cấp nhất, thể hiện sự uy tín, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh trên internet.
Ví dụ: vnexpress.net; thegioididong.com; topthuthuat.com; - Tên miền phụ: Được tạo thành từ tên miền chính. Tên miền phụ bao gồm một chuỗi kí tự đầu tiên, tiếp sau đó là tên miền chính và cả hai ngăn cách nhau bởi một dấu chấm (.). Để đăng ký được tên miền phụ ta phải liên hệ đến nhà cung cấp tên miền chính và làm theo hướng dẫn.
Ví dụ: thethao.vnexpress.net; wordpress.topthuthuat.com…
Những đặc điểm chung của tên miền
Bạn đã biết được tên miền là gì, vậy đâu là đặc điểm chung của các loại tên miền?
1. Kí tự cho phép
Một tên miền chỉ chứa tối đa 63 kí tự bao gồm phần đuôi .com, .info, .net,.org… Các kí tự được sử dụng trước phần mở rộng phải nằm trong bản chữ cái Alphabet (a-z), các số từ 1-9 và dấu (-). Lưu ý là dấu (-) không được đặt ở vị trí mở đầu hoặc kết thúc.
Khoảng trắng và các ký tự đặc biệt khác hoàn KHÔNG HỢP LỆ. Tên miền khi mua cũng không cần phải bắt đầu bằng http:// hoặc www hay http://www
2. Có thể đăng ký nhiều tên miền
Một cá nhân hay tổ chức có thể đăng ký bao nhiêu tên miền tùy thích, tuy nhiên các tên miền không được giống y như nhau ở cả tên miền local hoặc quốc tế.
3. Tên miền và tốc độ truy cập không liên quan
Nhiều người nghĩ rằng tên miền càng dài thì truy cập càng khó khăn và thời gian load web lâu hơn. Tuy nhiên đây là suy nghĩ không đúng, nội dung và độ dài tên miền hoàn toàn không ảnh hưởng đến tốc độ truy cập.
Chọn mua tên miền có phần mở rộng phù hợp
Mỗi phần mở rộng của tên miền đều mang đến một ý nghĩa, xác định một lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Dưới đây là những phần mở rộng phổ biến tại Việt Nam và ý nghĩa của nó:
- Tên miền .com: là phần mở rộng được sử dụng phổ biến nhất thế giới hiện nay. Com là chữ viết tắt của “commercial” có nghĩa là thương mại. Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn sở hữu tên miền loại này vì nó quen thuộc với người dùng và bộc lộ sự uy tín, khẳng định vị thế.
- Tên miền .net: Net trong từ “network” có nghĩa là mạng lưới. Tên miền này được dùng cho các công ty kinh doanh các loại dịch vụ về internet, website,…
- Tên miền .org: là chữ viết tắt của “organization”, tên miền này sử dụng cho các tổ chức thương mại, tổ chức phi lợi nhuận,…
- Tên miền .gov: chỉ có các tổ chức thuộc chính phủ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân… mới được đăng ký tên miền loại này. Tùy từng quốc gia mà có những hậu tố khác nhau, chẳng hạn tại Việt Nam là .gov.vn
- Tên miền .vn/.com.vn: là tên miền được sử dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Nếu doanh nghiệp của bạn kinh doanh trên thị trường quốc tế các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu,… thì nên đặt tên miền dạng này vì .vn như là một sự đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của bạn.
- Tên miền .edu.vn: là tên miền cho các doanh nghiệp về dịch vụ giáo dục. Chẳng hạn doanh nghiệp bạn là một trung tâm anh ngữ thì tên miền loại này rất phù hợp.
Những lưu ý khi trước khi chọn mua tên miền
1. Nhà cung cấp uy tín
Điều này thật sự quan trọng vì nhà cung cấp có thể khiến cho bạn mất quyền kiểm soát tên miền một cách dễ dàng. Khi doanh nghiệp bạn thực sự lớn, tên miền như một tài sản thương hiệu rất có giá trị có thể bán với mức giá hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng.
Nếu để kẻ khác chiếm dụng, họ sẽ ra giá với bạn để bán tên miền đó. Hoặc là bạn bỏ ra một số tiền lớn để chuộc lại hoặc là mất đi giá trị thương hiệu của công ty, đau xót hơn là đối thủ của bạn mua nó về để làm nhái thương hiệu bạn.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc chọn mua nhà cung cấp tên miền một cách uy tín ta nên yêu cầu họ gửi hợp đồng dịch vụ khi đăng ký tên miền và đăng ký tên miền với thời gian càng dài càng tốt. Tuy nhiên, với các nhà cung cấp tên miền tại Việt Nam thì được nhưng với nhà cung cấp quốc tế như Godaddy thì rất khó.
2. Chính sách hỗ trợ từ nhà cung cấp
Nếu có vấn đề phát sinh với tên miền thì buộc ta phải liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ. Tình hình sẽ rất căng thẳng nếu chính sách hỗ trợ của họ không tốt và công ty bạn phải tốn một khoảng thời gian không đâu để giải quyết.
3. Phí gia hạn
Ví dụ khi bạn mua tên miền .com có giá 100k thì đó chỉ là phí của năm đầu tiên. Các năm về sau, bạn phải trả một mức phí để gia hạn khác với mức phí 100k này (có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy loại tên miền). Nếu không đăng ký được tên miền, có thể bạn phải mua lại từ người khác với giá rất cao nhưng phí gia hạn vẫn không thay đổi.
4. Chính sách transfer tới nhà cung cấp khác
Chính sách này cho phép chuyển đổi nhà quản lý tên miền từ nhà cung cấp cũ sang nhà cung cấp mới. Khi bạn sử dụng dịch vụ từ một nhà cung cấp và thấy các chính sách không hợp lý, dịch vụ hỗ trợ không tốt, muốn từ bỏ và chọn một nhà cung cấp mới thì bạn phải chuyển quyền quản lý tên miền này sang nhà cung cấp mới đó.
Và để làm được việc này, buộc nhà cung cấp cũ phải cho phép và điều này thể hiện trong hợp đồng dịch vụ ban đầu với nhà cung cấp cũ.